Mục tiêu nghiên cứu của đề tài này là tái sử dụng bùn đáy ao nuôi tôm sản xuất phân bón hữu cơ quy mô công nghiệp, nhằm giảm thiểu phát thải từ hoạt động nuôi tôm và bảo vệ môi trường. Bùn đáy ao nuôi tôm được thu hồi qua lưới lọc kích thước 0,25mm đặt mương lắng. Sau đó, tận dụng nước mưa để rửa muối trong bùn đáy ao nuôi tôm. Khi EC (Electrical Conductivity) của bùn giảm xuống dưới 4 mS/cm thì bùn được trộn với rơm rạ khô theo tỷ lệ 1 tấn bùn với 250 kg rơm, và trộn đều. Sản phẩm bùn phối trộn rơm rạ này được ủ lên men sinh học gồm hai giai đoạn, giai đoạn yếm khí và giai đoạn hiếu khí. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, chất lượng phân bón hữu cơ sản xuất từ bùn thải đạt tất cả các tiêu chuẩn như thành phần dinh dưỡng hữu cơ (tổng cacbon hữu cơ 15,98%), dinh dưỡng đa lượng N (1,12%), P2O5 (0,81%), K2O (2,41%), các kim loại vi lượng như Cu (0,2 ppm), Zn (0,27 ppm) đạt giá trị thích hợp cho chất lượng phân bón hữu cơ, các chỉ tiêu kim loại nặng như Pb (103,5 ppm), Cd (0,87 ppm) dưới tiêu chuẩn cho phép của phân bón hữu cơ theo Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 01-189:2019/BNNPTNT). Nghiên cứu cũng cho thấy tiềm năng tái sử dụng bùn thải đáy ao nuôi tôm sản xuất phân bón hữu cơ quy mô công nghiệp, nhằm tận dụng nguồn dinh dưỡng có trong bùn cung cấp cho cây trồng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi tôm thâm canh.