Nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn chiếm tỉ lệ tử vong cao trên thế giới cũng như Việt Nam dù nhiều khuyến cáo điều trị. Độ thanh thải lactate máu giúp theo dõi tốt sự phục hồi tưới máu mô và diễn tiến bệnh, từ đó cải thiện kết quả điều trị. Mục tiêu nghiên cứu: 1). Nhận xét giá trị lactate máu ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết trong các thời điểm 0, 6, 12 giờ
2). Khảo sát mối liên quan giữa độ thanh thải lactate máu ở 6, 12 giờ và nguy cơ tử vong của bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 100 bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoặc sốc nhiễm khuẩn điều trị tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang từ tháng 2-8/2020. Kết quả: Vị trí nhiễm khuẩn huyết là tiêu hóa (32%) và hôhấp (31%). Hầu hết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng với điểm SOFA cao (SOFA >
8 chiếm 59%). Giá trị lactate trung bình tại thời điểm nhập viện cao 7,34mmol/L. Độ thanh thải lactate máu tại 6 và 12 giờ ở nhóm sống (31,68±27,31% và 57,35±21,81%) tốt hơn với nhóm tử vong (-50,91± 40,31% và -126,18± 62,68%) có ý nghĩa thống kê. Độ thanh thải lactate máu cao (>
10%) ở thời điểm 6 và 12 giờ có tỷ lệ tử vong thấp (3,33% và 1,49% tử vong) hơn nhóm độ thanh thải lactate máu thấp (<
10%) tại thời điểm 6 và 12 giờ (75% và 96,97% tử vong). Kết luận: Độ thanh thải lactate máu trong 6 và 12 giờ giúp tiên lượng tử vong trên bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết. Tỷ lệ tử vong của nhóm có độ thanh thải lactate máu thấp cao hơn nhóm có độ thanh thải lactate máu cao. Theo dõi độ thanh thải lactate máu giúp tiên lượng bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết.