Người Rục là cộng đồng được phát hiện muộn nhất trong thành phần các dân tộc Việt Nam. Vào năm 1959, trong một lần đi tuần tra, bộ đội biên phòng Cà Xèng đóng tại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã phát hiện một nhóm ``người rừng'' sinh sống trong hang đá tại khu vực vùng núi giáp với biên giới nước Lào. Sau một thời gian tiếp cận, bộ đội và chính quyền địa phương đã vận động được người Rục rời hang đá về sống định cư tại các bản ở xã Thượng Hóa. Trước khi rời hang đá, người Rục do một thời gian dài sống biệt lập ở vùng núi sâu, cách ly với các tộc người khác, nên họ vẫn bảo lưu những nét sinh hoạt kinh tế văn hóa - xã hội cổ xưa. Từ khi về sống định cư đến nay, nhà nước đã có nhiều chính sách giúp ổn định cuộc sống và phát triển cộng đồng này. Ngày nay, người Rục đang từng bước hội nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Quá trình hội nhập của người Rục đã tạo ra hai mặt đối lập: một mặt, nó làm cho tộc người này được tiếp cận với thế giới bên ngoài nhằm học hỏi, tiếp thu những cái hay và nguồn tri thức mới của nhân loại để phát triển đi lên
nhưng bên cạnh đó, nó cũng đặt ra những thách thức trong bối cảnh ``sức mạnh nội sinh'' của tộc người này chưa thực sự sẵn sàng để bước vào quá trình hội nhập. Trước những ảnh hưởng của xu thế hiện đại hóa, quá trình tiếp xúc với các nền văn hóa khác dẫn đến người Rục có nguy cơ mất đi bản sắc văn hóa tộc người. Bằng phương pháp phỏng vấn sâu và quan sát tham dự được thực hiện trong quá trình đi điền dã tại cộng đồng người Rục vào năm 2018, 2019 và các cuộc phỏng vấn qua điện thoại năm 2022, thông qua bài viết này, chúng tôi trình bày quá trình hội nhập của người Rục trên các khía cạnh kinh tế, văn hóa, xã hội và đưa ra thảo luận về những cơ hội, cũng như những thách thức đối với cộng đồng người Rục trong quá trình hội nhập. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra các giải pháp để phát triển cộng đồng theo hướng bền vững.