Mức độ tự tin quyết định tới hiệu quả giao tiếp của điều dưỡng viên. Để nâng cao mức độ tự tin này, việc xác định được các yếu tố liên quan tới nó là rất quan trọng. Do đó, nghiên cứu này được tiến hành nhằm tìm hiểu các yếu tố liên quan đến mức độ tự tin của điều dưỡng viên trong một số tình huống giao tiếp thường gặp. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Với thiết kế mô tả cắt ngang, nghiên cứu được tiến hành trên 125 điều dưỡng tại một số bệnh viện của tỉnh Thái Nguyên và Cao Bằng. Thời gian thực hiện từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2021. Đối tượng nghiên cứu được phát vấn thông qua bộ câu hỏi tự điền về mức độ tự tin khi giao tiếp trong mười một tình huống thường gặp, thang điểm đánh giá gồm 4 mức độ từ rất không tự tin (0 điểm), bình thường (1 điểm), tự tin (2 điểm), đến rất tự tin (3 điểm). Điểm tự tin trong giao tiếp là điểm tổng của tất cả các câu hỏi, tối đa là 33 điểm. Điểm càng cao thể hiện mức độ tự tin càng lớn. Kết quả: Điểm trung bình mức độ tự tin trong giao tiếp của điều dưỡng viên là 21,49 ±3,17. Tỷ lệ điều dưỡng tự tin ở mức trung bình chiếm đa số (80%). Bên cạnh đó, 20% điều dưỡng được đánh giá là tự tin cao, và không có điều dưỡng nào được xếp loại không tự tin trong các tình huống giao tiếp thường gặp được khảo sát. Nghiên cứu cũng không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê nào giữa điểm trung bình về mức độ tự tin trong giao tiếp giữa nhóm điều dưỡng từ 35 tuổi trở lên và dưới 35 tuổi, giữa nhóm điều dưỡng làm tại khoa lâm sàng với nhóm làm việc tại phòng ban, cận lâm sàng và khoa khám bệnh, giữa nhóm điều dưỡng đã từng được đào tạo và chưa từng được đào tạo về kỹ năng giao tiếp trước đây, cũng như giữa nhóm điều dưỡng viên và điều dưỡng trưởng (p>
0,05). Kết luận: Mức độ tự tin của điều dưỡng viên trong một số tình huống thường gặp ở mức trung bình. Chưa tìm thấy bằng chứng về vai trò của các yếu tố gồm tuổi, đơn vị công tác, vị trí công việc, và kinh nghiệm với các khóa đào tạo giao tiếp trước kia với mức độ tự tin trong giao tiếp của điều dưỡng viên.