Tụt huyết áp sau tê tủy sống có thể gặp ở 80% các ca mổ lấy thai, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho mẹ và thai nhi. Điều trị đầu tay là thuốc co mạch trong đó phenylephrine và ephedrine được dùng nhiều nhất. Tuy nhiên, các nghiên cứu tại Việt Nam và thế giới còn nhiều điểm chưa thống nhất về thuốc nào ưu thế hơn. Đối tượng - Phương pháp nghiên cứu: Chúng tôi tiến hành thử nghiệm lâm sàng không ngẫu nhiên, không mù trên 62 sản phụ khỏe mạnh, được tê tủy sống để mổ lấy thai chương trình, dùng phenylephrine hay ephedrine tiêm mạch chậm điều trị tụt huyết áp. Kết cục chính là hiệu quả điều trị tụt huyết áp và kết cục phụ là chỉ số về cung lượng tim ước đoán liên tục và tác dụng phụ của từng thuốc. Kết quả: Không có sự khác biệt về đặc điểm chung, huyết áp trung bình và thời gian ổn định huyết áp giữa hai nhóm. Tổng liều phenylephrine thấp hơn so với ephedrine khi quy đổi tương đương tiềm lực (139,1 ± 56,3 μg với 15 ± 6,7 mg
p=0,01). Nhóm phenylephrine có cung lượng tim thấp hơn ephedrine (6,4 ± 1,5 với 7 ± 1,8 L.phút-1
p=0,02) và có xu hướng thay đổi tương tự với khuynh hướng tần số tim ở mỗi nhóm. Về tác dụng phụ, phenylephrine có khuynh hướng gây tần số tim chậm nhưng chưa có ý nghĩa (12,5% với 0%, p=0,05) còn ephedrine gây tần số tim nhanh (33,3% với 6,3%, p=0,007), trong đó không khác biệt về tỷ lệ tăng huyết áp phản ứng và buồn nôn/nôn. Kết luận: Phenylephrine có hiệu quả điều trị tụt huyết áp sau tê tủy sống tương đương ephedrine trên sản phụ không tiền căn bệnh lý tim mạch hay tiền sản giật với liều sử dụng thấp hơn và ít gây tần số tim nhanh hơn.