Chuyển giao công nghệ từ trường đại học không chỉ trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế cho các trường đại học mà còn là một trong những yếu tố tiên quyết góp phần vào chất lượng tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Hoạt động chuyển giao công nghệ thường được thực hiện qua các kênh chuyển giao chính thống thông qua các tổ chức trung gian đảm nhận nhiệm vụ xúc tiến chuyển giao công nghệ nằm trong các trường đại học. Tuy nhiên, trên thế giới, hình thức chuyển giao này được vận hành dưới nhiều cơ chế và mô hình tổ chức khác nhau. Nghiên cứu này nhằm mục tiêu tổng hợp khung phân tích về việc tổ chức mô hình trung tâm chuyển giao công nghệ trong trường đại học tại Việt Nam, cụ thể gắn với trường hợp mô hình dự kiến của Trung tâm Chuyển giao công nghệ thuộc trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (BK TTO). Dựa trên nội dung kết quả ba cuộc phỏng vấn sâu với nhà quản lý cao cấp của trường Đại học Bách khoa Hà Nội và BK TTO, và tài liệu thứ cấp, nghiên cứu chỉ ra rằng BK TTO được kỳ vọng vận hành như một đơn vị cấp hai tương đương với vị trí của các phòng ban chức năng, khoa, viện, trung tâm nghiên cứu thuộc nhà trường và được kết hợp với BK Holdings là doanh nghiệp thuộc trường đại học. Trong mô hình đó, nhà trường cung cấp kinh phí, cơ sở vật chất, BK Holdings quản lý thông qua hợp đồng vận hành với nhà trường.