Ung thư vú (UTV) đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của y tế thế giới, đây là loại ung thư phổ biến nhất trên phụ nữ. Việc đánh giá chất lượng sống (CLS) của người bệnh UTV giúp bác sĩ cân nhắc hướng điều trị, so sánh các phương pháp điều trị hiện hành và đánh giá các phương pháp điều trị mới. Đề tài này nhằm đánh giá chất lượng sống của bệnh nhân ung thư vú bằng bộ câu hỏi chuyên biệt dành cho người bệnh UTV EORTC QLQ-C30. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang dựa trên dữ liệu thu thâp từ phiếu khảo sát và hồ sơ bệnh án của người bệnh UTV HER2 dương tính điều trị tại 6 bệnh viện (BV) bao gồm BV Bạch Mai, BV Ung Bướu Hà Nội, BV K Trung Ương, BV Ung Bướu Đà Nẵng, BV Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh và BV Chợ Rẫy. Nghiên cứu đánh giá CLS bằng thang đo QLQ-C30 và sử dụng phép kiểm thống kê phù hợp với độ tin cậy 95%. Kết quả: Mẫu nghiên cứu bao gồm 338 người bệnh nữ với độ tuổi trung bình 53,87 ± 9,97 tuổi, phần lớn mẫu thuộc giai đoạn sớm (55,7%) và chưa di căn (76,6%). Dựa trên thang đo QLQ-C30 nghiên cứu ghi nhận điểm CLS tổng quát có giá trị trung bình 60,11 ± 15,80. Ở thang điểm chức năng, cảm xúc, thể chất và nhận thức là 3 phương diện có số điểm cao nhất với giá trị lần lượt 77,79 ± 21,54
75,35 ± 17,75 và 74,11 ± 22,92. Ở thang điểm triệu chứng, khó khăn tài chính và mất ngủ là vấn đề phổ biến và nghiêm trọng với số điểm khá cao (55,82 ± 32,69 và 37,77 ± 30,11
tương ứng). Kết luận: Người bệnh ung thư vú HER2-dương tính có chất lượng sống ở mức khá với điểm chất lượng sống tổng quát 60,11 ± 15,80 điểm. Chức năng thể chất, cảm xúc và nhận thức có điểm số tương đối tốt, tuy nhiên quá trình điều trị mang lại khó khăn tài chính chongười bệnh.