El Niño và nhiệt độ bề mặt biển ấm kéo dài đã tác động đáng kể đến các rạn san hô và gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô ở một số nơi trên thế giới. Nghiên cứu này đánh giá mật độ tảo cộng sinh và vi khuẩn liên quan đến ba loài san hô là Acropora hyacinthus, Acropora muricata và Acropora robusta, được thu thập tại Hang Rái, Ninh Thuận vào tháng 5, tháng 6, tháng 8 năm 2016 và tháng 6 năm 2017. Số lượng Zooxanthellae với mỗi loài san hô có ý nghĩa thống kê và tương quan với một số yếu tố môi trường, cho thấy rằng tảo cộng sinh có thể đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe của san hô. Số lượng vi sinh vật có liên quan với ba loài san hô là khác nhau đáng kể
chúng có xu hướng phụ thuộc vào thời gian lấy mẫu hơn là phụ thuộc vào loài san hô cụ thể. Tại thời điểm ENSO (2016), sự khác biệt về tổng số vi khuẩn liên quan với cả ba loài san hô là có ý nghĩa thống kê. Trong khi tổng số vi khuẩn có liên quan với cả ba loài san hô được thu thập trong năm 2017 không khác với tổng số vi khuẩn trong nước xung quanh. Kết luận, tảo cộng sinh có xu hướng đặc trưng theo loài, trong khi vi khuẩn dao động đáng kể theo thời gian lấy mẫu. Nghiên cứu các vấn đề phân tử của vi tảo, sự hiện diện, vai trò của một số nhóm vi khuẩn liên quan đến chu trình N, C, P, S và ảnh hưởng của các thông số môi trường cũng nên được khuyến khích để hiểu rõ hơn mối quan hệ của holobiont san hô.