Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở trẻ bị bệnh Basedow tại bệnh viện đa khoa Xanh Pôn từ năm 2017 - 2022. Đối tượng nghiên cứu: 25 trẻ em đủ tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Basedow vào điều trị tại khoa Nhi bệnh viện đa khoa Xanh Pôn từ năm 2017 - 2022. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả một loạt ca bệnh. Kết quả: Trẻ nữ bị nhiều hơn trẻ nam với tỷ lệ 4:1, 76% ở nhóm 10 - 15 tuổi, 20% ở nhóm 5 - 9 tuổi, 4% ở nhóm <
5 tuổi. Thời gian trung bình từ khi bị bệnh đến khi được chẩn đoán là 3,8±2,4tháng. Triệu chứng phổ biến: mệt mỏi (92%), da nóng ẩm, nhiều mồ hôi (92%), mất ngủ (88%), sút cân (72%), run tay (64%), thay đổi cảm xúc (60%), rối loạn kinh nguyệt (8%) và chậm dậy thì (8%). Rối loạn phát triển thể chất: 84% thể trạng bình thường, 12% thể trạng gầy, 4% thể trạng thừa cân. 60% lồi mắt. 100% bướu cổ
độ I:II:III là 24%:72%:4%. 100% nồng độ TSH máu rất thấp không đo được, nồng độ FT4 tăng cao (46,7 ± 19,3 pmol/L), nồng độ T3 tăng cao (7,7 ± 7,5nmol/L), 100% TRAb tăng (16,1 ± 10,4IU/L). 100% siêu âm tuyến giáp tăng kích thước, điện tim: 100% trẻ có nhịp tim nhanh, siêu âm tim: 8% trẻ có hở van tim. Kết luận: Bệnh Basedow ảnh hưởng nhiều đến phát triển thể chất, thần kinh - tinh thần và rối loạn sinh dục ở trẻ, tỷ lệ chẩn đoán muộn còn cao cần chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng và trẻ được phát triển toàn diện.