Đánh giá kết quả bước đầu sinh thiết lõi tổn thương tụy khu trú qua da dưới hướng dẫn siêu âm với kim 16G hoặc kim đồng trục 18G. Đối tượng, phương pháp: Nghiên cứu hồi cứu trên 6 bệnh nhân được phát hiện khối u tụy nghi ngờ ác tính trên hình ảnh CLVT hoặc CHT trong 2 năm 2020 và 2021 ở Bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế. Tổn thương được lấy mẫu bằng phương pháp trực tiếp (không đi qua tạng lân cận như gan, dạ dày) dưới hướng dẫn của siêu âm
kim sinh thiết tự động 16G lõi dài 15 - 22 mm hoặc kỹ thuật đồng trục (coaxial) với trocar 16G và kim 18G. Việc lựa chọn cỡ kim và kỹ thuật sinh thiết được quyết định dựa vào vị trí, kích thước và tương quan của tổn thương với các tạng lân cận. Bệnh nhân được theo dõi dấu hiệu sinh tồn và tình trạng vị trí chọc mỗi 15 phút trong giờ đầu tiên, mỗi 30 phút trong 3h tiếp theo và hàng ngày cho đến khi xuất viện. Kết quả: Tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là 60,3, tỉ lệ nam: nữ là 5:1. Kích thước trung bình của khối u là 49,8 ± 18,9 mm (26 - 75 mm, trung vị 49 mm). Có 4/6 bệnh nhân có khối u ở đầu tụy, 1 thân tụy và 1 ở đuôi tụy. Tất cả thủ thuật đều có đường tiếp cận từ thành bụng trước. Số mẫu lấy trung bình 2 - 3 mẫu, chiều dài 10 - 15 mm. Có 3/6 bệnh nhân (50%) được sử dụng kim đồng trục 18G. Có 2 trường hợp có biến chứng chảy máu
trong đó 1 trường hợp chảy máu tại vị trí chọc và được nút tắc đường hầm qua trocar bằng gelfoam cắt nhỏ (track embolization), 1 trường hợp tụ máu mạc nối lớn và được xử trí bằng cách đè ép tại chỗ dưới hướng dẫn siêu âm. Về kết quả mô bệnh học, 100% mẫu đạt tiêu chuẩn chẩn đoán, trong đó 5/6 trường hợp adenocarcinoma, trường hợp còn lại là viêm khu trú. Tỉ lệ chẩn đoán chính xác là 83,3%. Không có biến chứng nặng trong quá trình nằm viện. Kết luận: Sinh thiết lõi u tụy qua da dưới hướng dẫn siêu âm là một thủ thuật tương đối an toàn và hiệu quả trong việc xác định bản chất khối u tụy. Nắm vững các nguy cơ tai biến và phương án xử trí là rất cần thiết.