Dệt may là nền công nghiệp lớn đứng thứ hai trên thế giới với sản phẩm cuối là vật liệu dệt hoặc các sản phẩm may mặc. Vải tơ tằm được sử dụng trong may mặc từ hàng ngàn năm trước cho đến nay bởi các tính chất tiện nghi tốt của chúng, tuy nhiên đây là loại vật liệu khó chăm sóc trong quá trình sử dụng, đặc biệt là công đoạn giặt và làm sạch. Vải tơ tằm 100% được xử lý TiO2/SiO2 được mô phỏng dính vết bẩn bằng dung dịch cà phê với các thể tích khác nhau, sau đó cho mẫu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong khoảng thời gian nhất định nhằm nghiên cứu và đánh giá khả năng tự làm sạch của vải. Hoạt tính quang xúc tác của nanocomposite TiO2/SiO2 trên vải đã giúp vết bẩn được loại bỏ gần như hoàn toàn sau 0 giờ (h), 4 h, 8 h, 16 h, 20 h phơi dưới ánh sáng mặt trời. Hình ảnh trực quan, kính hiển vi điện tử quét (SEM) và hệ thống đo màu CIE-LAB với độ sai lệch màu ΔE được sử dụng để so sánh hiệu quả làm sạch của các mẫu được xử lý với thời gian phơi sáng khác nhau. Độ bền của dung dịch trên vật liệu nền cũng như khả năng tự làm sạch sau nhiều lần giặt của vải cũng được nghiên cứu và bàn luận.