Sâu ăn lá (Episparis tortuosalis Moore, 1867) là loài gây hại nguy hiểm trên cây Lát hoa ở Việt Nam. Biện pháp phòng trừ sinh học cho loài sâu này đang được quan tâm nghiên cứu. Nghiên cứu này nhằm đánh giá khả năng ký sinh gây bệnh của các chủng vi khuẩn được phân lập từ sâu non của sâu ăn lá bị ký sinh tự nhiên. Nghiên cứu đã phân lập 16 chủng vi khuẩn ký sinh sâu non của sâu ăn lá ở ngoài tự nhiên. Trong số đó, 4 chủng (FPRC6, FPRC7, FPRC14 và FPRC16) có hiệu lực gây bệnh cao nhất cho sâu non của sâu sáp (Galleria mellonella) ở thời điểm 1 giờ, 24 giờ và 36 giờ bằng cách tiêm và 72 giờ, 96 giờ và 12 giờ bằng cách phun dung dịch có chứa vi khuẩn lên cơ thể sâu non. Tỉ lệ sâu non của sâu sáp bị chết do hai phương pháp này lần lượt là 93,3%, 76,7– 93,3%, 100% và 76,7–100%. Tại nhà lưới, tỉ lệ sâu non của sâu ăn lá (E. tortuosalis) bị chết sau 3 ngày, 5 ngày và 7 ngày phun lần lượt là 44,3–61,1%, 52,0–68,0%, 54,3–69,1% và 41,4–60,7%. Các kết quả này tương đương với thuốc trừ sâu sinh học thương mại có chứa vi khuẩn Bacillus thuringiensis. Dựa trên trình tự 16S rRNA, hai chủng vi khuẩn ký sinh (FPRC7, FPRC14) được giám định là loài Serratia marcescens. Kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng để phát triển thuốc trừ sâu sinh học phòng trừ hiệu quả sâu ăn lá cây Lát hoa ở Việt Nam.