Năng xuất trồng rừng ở Việt Nam đến nay khoảng 20-30 m³/ha/năm, gấp đôi so với những năm 1990. Tuy vậy một số vấn đề về chọn giống cần được thảo luận thêm để góp phân tăng năng suất rừng trồng trong thời gian tới. Cây rừng có đời sống dài ngày, lợi dụng biến dị tự nhiên sẵn có ở các mức độ khác nhau (loài, xuất xứ, dạng biến dị ở từng cây cá thể) là cách chọn giống nhanh nhất và có hiệu quả nhất. Cây bản địa hay cây ngoại lai được chọn cho các chương trình trồng rừng phải đáp ứng mục đích sử dụng gỗ, sinh trưởng nhanh, không bị sâu bệnh hại và thích ứng với điều kiện khí hậu đất đai nơi trồng. Loài cây càng có phân bố rộng, nhiều dạng biến dị di truyền thì chọn xuất xứ và dạng biến dị tự nhiên càng dễ thành công. Cây trội phải là cây sinh trưởng nhanh nhất, có chất lượng thân cây tốt nhất và phải có độ vượt cần thiết so với những cây còn lại trong đám rừng. Khối lượng riêng của gỗ là một tính trạng có hệ số di truyền cao, có liên quan với nhiều tính chất gỗ. Chọn giống theo sinh trưởng và khối lượng riêng của gỗ làm tăng hiệu quả chọn giống. Cây trội chỉ là kiểu hình, muốn lấy giống để trồng rừng phải qua nhân giống và khảo nghiệm giống. Chọn tạo giống lai và giống đa bội được áp dụng trong những năm gần đây đã mang lại một số kết quả rõ rệt và có nhiều triển vọng. Giống có vai trò rất quan trọng, song muốn có năng suất rừng trồng cao phải chọn lập địa phù hợp và áp dụng các biện pháp trồng thâm canh thích đáng.