Doanh nghiệp quốc phòng (DNQP) là công cụ chủ yếu để Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, nhằm gìn giữ, củng cố và phát triển các năng lực sản xuất, cung ứng sản phẩm hoặc các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong cả thời bình và cả khi có tình huống xảy ra. Từ thực tế đặc điểm, nhiệm vụ SXQP, gắn với những yêu cầu quản lý của Bộ Quốc phòng (BQP) trong mỗi thời kỳ xây dựng, phát triển tiềm lực quốc phòng dưới định hướng và sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, có thể hiểu “Tái cơ cấu tài chính DNQP là quá trình làm thay đổi căn bản cơ cấu tài chính của DNQP, để thiết lập một cơ cấu tài chính phù hợp hơn với tình hình thực tại của DNQP, cũng như sự thay đổi của môi trường kinh doanh và định hướng tái cơ cấu các doanh nghiệp của Đảng, Nhà nước, BQP, nhằm đạt được mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa các mặt hàng quốc phòng, sản phẩm kinh tế theo kế hoạch được giao của BQP và nhu cầu của thị trường trong từng thời kỳ, đảm bảo sự ổn định, bền vững cho DNQP”. Như vậy, có thể thấy, quá trình tái cơ cấu tài chính các doanh nghiệp (DN) là một quá trình đòi hỏi sự tham gia của cán bộ các cấp của DN trong việc triển khai toàn diện các giải pháp cho quá trình tái cơ cấu đó. Để có thể đưa ra những giải pháp tái cơ cấu tài chính hợp lý, khả thi cho DNQP ở Việt Nam, thì việc nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới và cả ngay tại các DN đã tái cơ cấu tài chính tương đối thành công ở Việt Nam là vô cùng cần thiết.