Chuyển đổi kháng sinh từ đường tiêm/truyền sang đường uống là một trong những can thiệp quan trọng trong chương trình quản lý sử dụng kháng sinh (QLSDKS). Việc chuyển đổi đường dùng kháng sinh ở những bệnh nhân (BN) phù hợp sẽ giúp giảm thiểu các biến chứng liên quan tới tiêm/truyền, giảm chi phí điều trị, rút ngắn thời gian nằm viện và giảm gánh nặng công việc cho nhân viên y tế. Mục tiêu: Khảo sát thực trạng chuyển đổi kháng sinh từ đường tiêm/truyền sang đường uống ở BN nội trú tại bệnh viện Thống Nhất. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả trên hồ sơ bệnh án của BN đủ 18 tuổi trở lên, được chỉ định ít nhất một kháng sinh đường tiêm/truyền từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2021 tại khoa Nội Nhiễm, bệnh viện Thống Nhất. Tính hợp lý của việc chuyển đổi kháng sinh được đánh giá dựa trên hướng dẫn chuyển đổi kháng sinh từ đường tiêm/truyền sang đường uống theo quyết định 5631/QĐ-BYT. Kết quả: Trong 99 BN được đưa vào nghiên cứu, có 80 BN đủ điều kiện để chuyển đổi sang đường uống. Tỷ lệ BN được chuyển đổi là 44,4%. Tỷ lệ hợp lý chung trong việc chuyển đổi là 43,8%. Thời gian dùng kháng sinh tiêm/truyền và thời gian nằm viện trung vị của BN chuyển đổi ngắn hơn có ý nghĩa thống kê so với BN không chuyển đổi (p <
0,001). Kết luận: Tỷ lệ chuyển đổi kháng sinh từ đường tiêm/truyền sang đường uống còn chưa cao. Chuyển đổi kháng sinh hợp lý giúp rút ngắn thời gian nằm viện của BN.