Các bằng chứng cho tình trạng COVID kéo dài và tác động của chúng ở trẻ em vẫn còn tương đối hạn chế. Nghiên cứu này nhằm mô tả tỷ lệ trẻ mắc, đặc điểm các triệu chứng COVID kéo dài và tìm ra các yếu tố nguy cơ liên quan đến tình trạng COVID kéo dài ở trẻ em Việt Nam. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu quan sát dọc, phỏng vấn người chăm sóc của trẻ có PCR SARS-CoV-2 dương tính được nhập Khoa COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 1 từ ngày 01 tháng 08 đến ngày 30 tháng 09 năm 2021. Ở thời điểm 1 tháng và 2 tháng sau xuất viện. Người chăm sóc được liên hệ, phỏng vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại, dựa trên “WHO’s Global Clinical Data Platform 1 of COVID-19”. Kết quả nghiên cứu: Trong thời gian nghiên cứu, có 196 trẻ tham gia nghiên cứu với tuổi trung bình là 16,4 tháng. Các triệu chứng ở giai đoạn cấp được ghi nhận từ nhẹ đến nguy kịch. Tại thời điểm ra viện, 34,2% (67 trẻ) còn ít nhất 1 triệu chứng, tỷ lệ này sau 1 tháng và 2 tháng giảm xuống lần lượt là 15,8% và 9,7%. Sau 2 tháng, có 19/196 trường hợp (9,7%) vẫn còn triệu chứng dai dẳng kéo dài kể từ sau khi xuất viện, trong đó triệu chứng hô hấp vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất: ho (42,1%), khò khè (31,5%), co lõm ngực (10,5%). Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về dịch tễ, lâm sàng và mức độ nặng ở đợt cấp giữa 2 nhóm có và không có các triệu chứng COVID kéo dài. Kết luận: Tỷ lệ các triệu chứng dai dẳng sau mắc COVID-19 ở trẻ emtrong nghiên cứu tương đối thấp và hầu hết các triệu chứng đều nhẹ.