Thành công của các nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước công nghiệp mới (NICs) đã cho thấy tầm quan trọng của hoạt động xuất nhập khẩu với vai trò là động lực chính giúp tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi quốc gia đều thành công với chiến lược tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu như các quốc gia Nam Á, Mỹ Latinh. Điều này làm nổi lên các quan điểm và lập luận chưa hoàn toàn thống nhất về tác động của hoạt động xuất nhập khẩu tới tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, mức độ thành công của chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất nhập khẩu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có chất lượng tăng trưởng xuất nhập khẩu. Qua 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong phát triển kinh tế đáng khích lệ, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế ngày càng được cải thiện. Việt Nam cũng đã tham gia hội nhập sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới, trong đó xuất nhập khẩu đóng vai trò “trụ cột ” cho công cuộc đổi mới toàn diện và đạt được những kết quả nhất định về quy mô và tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, Việt Nam cần tiếp thu các bài học hữu ích từ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và thực thi chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là từ những nước có điều kiện tương đồng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan.