Than sinh học là một sản phẩm của quá trình nhiệt phân sinh khối trong điều kiện yếm khí. Trong lĩnh vực môi trường và nông nghiệp, than sinh học đã được ứng dụng và nghiên cứu rộng rãi, trong đó nhiều tác giả đã ghi nhận những lợi ích mà vật liệu này mang lại cho môi trường, tính chất đất và năng suất cây trồng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, than sinh học truyền thống có nhiều hạn chế trong cải thiện năng suất của cây trồng. Bài báo tổng quan này giới thiệu tóm tắt về quá trình sản xuất, những lợi ích nông học của than sinh học và những hạn chế của vật liệu khi được sử dụng trong nông nghiệp. Từ đó, phân tích và đặt ra nhu cầu phát triển một loại phức hợp than sinh học được biến tính, làm giàu dinh dưỡng và đề xuất các phương pháp chế tạo sản phẩm này. Một số phương pháp có thể được sử dụng để chế tạo sản phẩm này là 1) nung hỗn hợp than sinh học và các vật liệu khác (ví dụ: đất sét, đá khoáng, khoảng chất), (ii) các phương pháp tiền nhiệt phân (nhiệt phân chậm sinh khối với hỗn hợp khoáng chất và các chất dinh dưỡng ở nhiệt độ thấp 350 - 450°C), (iii) phương pháp hậu nhiệt phân (hỗn hợp than sinh học và khoáng chất/chất dinh dưỡng/được hoạt hóa bằng nhiệt hoặc hóa chất như các loại axit, bazơ), (iv) ủ than sinh học với các vật liệu hữu cơ như phân chuồng, phân xanh... Với nguồn sinh khối dồi dào, Việt Nam có tiềm năng to lớn phát triển sản phẩm này áp dụng trong sản xuất nông nghiệp.