Vốn tín dụng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng thu nhập của người dân nông thôn. Do đó, nghiên cứu nhằm có giải pháp tăng khả năng tiếp cận nguồn tín dụng của các hộ gia đình là cần thiết. Bài viết này tiến hành nghiên cứu tác động của vốn xã hội đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và phi chính thức của hộ gia đình ở nông thôn Việt Nam. Biến đại diện cho vốn xã hội trong mô hình là số thành viên trong hộ tham gia các tổ chức, hội và nhóm ở địa phương. Mô hình hồi quy Univariate Probit và Bivariate Probit được sử dụng cho nghiên cứu, với dữ liệu được trích từ các bộ dữ liệu Điều tra tiếp cận hộ gia đình nông thôn Việt Nam- VARHS (các năm 2014, 2016 và 2018). Kết quả cho thấy số người trong hộ gia đình tham gia vào các tổ chức, hội và nhóm có tác động cùng chiều đến khả năng tiếp cận cả vốn tín dụng chính thức và phi chính thức của hộ. Kết quả này ổn định khi thay đổi mẫu nghiên cứu. Bài viết cũng cho thấy, đối với các hộ ở nông thôn, tín dụng chính thức và phi chính thức có mối quan hệ thay thế. Các kết quả của bài viết hàm ý rằng người dân ở nông thôn Việt Nam cần được tạo điều kiện tốt hơn để tham gia vào các tổ chức, hội và nhóm nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Bên cạnh đó, các nguồn vốn và hình thức tín dụng chính thức ở nông thôn cần đa dạng hơn để người dân tăng tiếp cận tín dụng chính thức, giảm tiếp cận tín dụng phi chính thức.