Bệnh do nhiễm SARS-CoV-2 có tình trạng nặng khi xuất hiện bão Cytokine, và corticoteroid là thuốc điều trị chính. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng của steroid trong kiểm soát viêm phổi trong đại dịch COVID-19. Chúng tôi thực hiện đề tài này nhằm tìm hiểu Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở hai nhóm điều trị corticosteroid liều tiêu chuẩn và liều cao trên bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 tại bệnh viện đa khoa Đức Giang. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Chúng tôi thực hiện nghiên cứu quan sát hồi cứu này trên 56 người bệnh nhập viện do nhiễm SARS-CoV-2 tại bệnh viện đa khoa Đức Giang từ tháng 08/2021 đến tháng 03/2022. Các bệnh nhân trên 18 tuổi được đưa vào nghiên cứu. Chúng tôi loại trừ các trường hợp không sử dụng steroid, hoặc đã có lọc máu liên tục. Chúng tôi loại trừ cả các trường hợp tử vong hoặc ra viện trước 7 ngày nhập viện, hoặc điều trị liều steroid thấp (<
10mg methlprednisolone). Nghiên cứu chia hai nhóm: liều tiêu chuẩn methylprednisone ≤ 40mg và liều cao methlprednisolone >
40mg. Kết quả: Các kết quả thu được có 25 bệnh nhân nhóm tiêu chuẩn và 31 bệnh nhân liều cao. Có sự khác biệt có ý nghĩa thông kê về marker viêm ở hai nhóm khi nhập viện gồm Ferritin, CRP, LDH, số lượng bạch cầu lympho, chỉ số P/F (p <
0,05). Các chỉ số lâm sàng xét nghiệm khi ra viện ở hai nhóm điều trị steroid tương tự nhau. Không quan sát thấy khác biệt về biến chứng kèm theo do sử dụng corticosteroid liều tiêu chuẩn và liều cao. Kết luận: Sử dụng corticosteroid liều tiêu chuẩn (MED ≤ 40mg) và liều cao (MED >
40mg) không có sự khác biệt về đáp ứng điều trị và các biến chứng kèm theo. Khuyến cáo sử dụng liều cao với nhóm bệnh nhân trung bình đến nặng, giảm liều dần, không điều trị kéo dài. Nghiên cứu cỡ mẫu nhỏ, chưa đầy đủ dữ liệu trên nhóm bệnh nhân nguy kịch, cần các nghiên cứu can thiệp cỡ mẫu lớn, đa trung tâm để sáng tỏ vấn đề hơn.