Mục tiêu của nghiên cứu này là đề xuất được mô hình sinh thái tích hợp nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải trên cơ sở khép kín các dòng nguyên vật liệu, chất thải và năng lượng phù hợp với điều kiện sinh thái đặc trưng vùng phèn hướng tới không phát thải đồng thời duy trì sinh kế theo định hướng phát triển bền vững cho người dân nông thôn vùng bị nhiễm phèn ở ĐBSCL. Mô hình được áp dụng cho hộ Võ Văn Thăm có địa chỉ tại ấp 4, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Mô hình với chi phí đầu tư ban đầu là 80.000.000 đồng và chi phí vận hành là 60.000.000 đồng/năm. Kết quả cho thấy mô hình mang lại hiệu quả về mặt môi trường như 178 m3 /ngày nước thải được thu gom xử lý, giảm phát thải 756 tấn CO2tđ/năm, 50% lượng phân heo (khoảng 3 tấn/ngày) được tách ra trước khi vào hệ thống biogas đồng thời giúp gia tăng thu nhập cho hộ dân (thu nhập từ mô hình khoảng 160.000.000 đồng/năm, thời gian hoàn vốn dưới 1 năm). Bên cạnh đó nghiên cứu còn đề xuất các giải pháp giúp cải tạo đất nhiễm phèn, gia tăng độ pH của đất, giảm chất độc nhôm của khu vực. Qua phân tích cho thấy mô hình có thể khắc phục các điều kiện khó khăn đặc trưng của vùng phèn, có khả năng áp dụng lâu dài và áp dụng cho các khu vực, đối tượng xung quanh với các hoạt động sinh kế tương tự và điều kiện tự nhiên tương đồng.