Thanh niên là tầng lớp đồng thời là một bộ phận của xã hội, giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nên sức mạnh quốc gia, đồng thời là một trong những nhân tố quyết định tương lai của đất nước. Trong lịch sử Việt Nam, thanh niên luôn giữ vai trò là lực lượng xung kích trong sự nghiệp dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Thanh niên cũng là nhân tố chính yếu tạo nên sức mạnh chính trị - quân sự
sự phát triển kinh tế - xã hội và là nguồn lực cho sức sáng tạo văn hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và một xã hội năng động như Việt Nam hiện nay, thanh niên đang trở thành nguồn lao động "tri thức", chủ thể sáng tạo của đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác phát triển thanh niên, trong đó đặc biệt quan tâm tới trách nhiệm xã hội (TNXH) của thanh niên Việt Nam. "Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trên cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên" [1]. Điều 4, Luật Thanh niên (2020) cũng xác định rõ: "Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội" [2]. Do đó, cùng với quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì việc phát huy TNXH của thanh niên cũng là điều quan trọng. Việc nghiên cứu làm rõ khái niệm và đặc điểm TNXH của thanh niên trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa trong việc định hướng khung mẫu TNXH của thanh niên và là nền tảng giúp đề xuất các giải pháp thúc đẩy thanh niên thể hiện TNXH của mình. Bài viết này tập trung phân tích khái niệm TNXH của thanh niên và các yếu tố cấu thành TNXH của thanh niên.