Ước tính sinh khối trên mặt đất (AGB) từ dữ liệu viễn thám quang học và Radar khẩu độ tổng hợp (SAR) là một cách tiếp cận thiết thực để theo dõi chất lượng rừng tại khu dự trữ sinh quyển dài hạn. Sinh khối của rừng có ý nghĩa quan trọng thể hiện khả năng lưu trữ Carbon lớn và góp phần làm giảm biến đổi khí hậu toàn cầu. Nghiên cứu này trình bày phương pháp tích hợp dựa trên dữ liệu viễn thám đa nguồn và thuật toán học máy định lượng AGB và sự phân bố không gian của các kiểu rừng trong Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, Việt Nam. Dữ liệu khảo sát thực địa năm 2022 được sử dụng với 169 ô mẫu được thu thập, trong đó 118 ô tham gia mô hình học máy để ước tính AGB và 51 ô còn lại được sử dụng để xác nhận kết quả. Hệ số xác định (R2), sai số bình phương trung bình (RMSE) và sai số trung bình tuyệt đối (MAE) được sử dụng để đánh giá và xác nhận hiệu suất của mô hình. Kết quả cho thấy cả 3 chỉ tiêu của mô hình đều tốt với RMSE và MAE có mức sai số dưới 30 Mg/ha và R2 khoảng 0,81 cho ước tính AGB. Nghiên cứu này cung cấp cái nhìn sâu sắc mới về mô hình ước tính AGB dựa trên công nghệ viễn thám đa nguồn cho rừng nhiệt đới tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới thông qua phân tích toàn diện về dữ liệu viễn thám và mô hình học máy.