Khi vào quản lý vùng đất Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã đưa ra rất nhiều chính sách khai hoang và quản lý ruộng đất, đặc biệt là đối với ruộng đất tư hữu. Chính sách đó có sự khác nhau giữa Thuận - Quảng và Gia Định tùy thuộc vào hoàn cảnh chính trị và điều kiện tự nhiên của mỗi vùng. Vùng Thuận - Quảng ruộng đất tư hữu và ruộng đất công được quy định và kiểm soát chặt chẽ, nên số địa chủ có điền sản lớn cũng ít hơn và chủ yếu rơi vào quan lại. Trong khi ở Gia Định vì diện tích ruộng đất rộng lớn và chính quyền chúa Nguyễn chỉ mới đặt ra mục đích mở rộng lãnh thổ mà chưa có những chính sách cụ thể đối với vấn đề ruộng đất nên ruộng đất tư và các địa chủ có điền sản lớn rất phát triển.