Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta đã và đang diễn ra với nhịp độ nhanh chóng và đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội mà không làm tổn hại tới môi trường sống của con người, làm thế nào để đạt tới sự phát triển hài hòa, lâu dài và bền vững giữa phát triển và BVMT thiên nhiên. Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó, Việt Nam đã và đang tiệm cận nhiều chính sách phát triển hài hòa, sử dụng tổng hợp các công cụ quản lý môi trường như: Luật, Nghị định, Thông tư
các quy chuẩn về môi trường
quy hoạch BVMT
đánh giá môi trường chiến lược
đánh giá tác động môi trường (ĐTM)
giấy phép môi trường (GPMT)
thuế, phí, ký quỹ, bồi hoàn
truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng. Đối với công tác ĐTM, các quy định pháp luật đã được hình thành từ khi ban hành Luật BVMT năm 1993, liên tục hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung thông qua việc ban hành Luật BVMT năm 2005, 2014, 2020 để phù hợp với tình hình thực tế phát triển ở Việt Nam trong những thập kỷ qua, đặc biệt là trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh chính sách mở cửa khuyến khích đầu tư phát triển để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.