Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá mức độ khử sắt trong đất phèn trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long làm cơ sở để xuất các giải pháp canh tác giúp giảm thiểu tác hại của độc chất sắt đối với năng suất lúa. Đất tầng mặt 0 - 15 cm của 20 mẫu đất phèn, được thu, phơi khô và nghiền qua rây 2 mm, sau đó ủ yếm khí trong điều kiện ngập nước. Định kỳ 1, 7, 14, 21, 28, 35, 42 và 49 ngày lấy mẫu dung dịch đất cho phân tích Eh, pH và Fe2+ hòa tan. Kết quả cho thấy sau 1 ngày ngập nước Eh đất vẫn ở mức oxy hóa, nồng độ Fe2+ ở hầu hết các mẫu đất dưới ngưỡng 300 ppm gây độc. Bước sang ngày thứ 7 ngập nước đã có 17/20 mẫu đất nghiên cứu chuyển sang vùng Eh khử và từ ngày 14 ngập nước thì hầu hết các mẫu đất có Eh ở trạng thái khử sâu. Song song với quá trình khử, pH đất tăng mạnh và đạt từ trung tính tới kiểm. Tốc độ tăng nồng độ Fe2+ mạnh nhất ở trong giai đoạn sau 1 ngày ngập nước đến 7 ngày ngập nước và sau đó nồng độ Fe2+ tuy vẫn tăng nhưng có tốc độ tăng giảm dần. Nồng độ Fe2+ cực đại trong các mẫu đất dao động trong khoảng 196 - 3087 ppm, trong đó có 18/20 mẫu có nồng độ Fe2+ vượt ngưỡng 300 ppm gây độc cho lúa và có 12/20 mẫu có nồng độ Fe2+ vượt 1000 ppm có tiềm năng gây ảnh hưởng mạnh đến năng suất lúa. Thời điểm đạt nồng độ Fe2+ cực đại chủ yếu dao động trong giai đoạn 14 - 42 ngày sau ngập nước.