Để có thể tồn tại, phát triển, nơi mà sức ép về các vấn đề môi trường ngày càng gia tăng, các nhà đầu tư và các nhà sản xuất buộc phải có hành động làm giảm nhẹ các tác động môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mình. Tuy nhiên, để có được sự thừa nhận của xã hội và cộng đồng, để thu hút sự chú ý của khách hàng đối với các nỗ lực vì môi trường mà họ đã thực hiện, tại một số nước, ngoài việc xây dựng, áp dụng và chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001: 2004, các nhà sản xuất đã và đang tạo sự phân biệt cho các sản phẩm của mình bằng cách tham gia chương trình dán nhãn môi trường (nhãn sinh thái - environmental label) cho sản phẩm. Đến nay, với nhận thức rõ về tầm quan trọng và vai trò của nhãn sinh thái, hầu hết các nước trên thế giới đều có chương trình nhãn sinh thái riêng, trong đó có một số nhãn sinh thái có uy tín và phổ biến trong Mạng lưới nhãn sinh thái toàn cầu (GEN). Bài viết này sẽ tập trung giới thiệu một số vấn đề liên quan đến nhãn sinh thái và đề xuất một số khuyến nghị cho Việt Nam