Nghiên cứu này nhằm mục đích nêu bật những ưu và nhược điểm của kết hợp các thuật toán với dữ liệu đo phổ tử ngoại tại nhiều bước sóng để có thể định lượng đồng thời hai chất hoạt quang trong hỗn hợp dược chất của chúng. Phương pháp nghiên cứu: Hỗn hợp kháng sinh, sulfamethoxazol-trimethoprim được nghiên cứu phổ tử ngoại để minh họa vì có sự chồng chập nhiều các dải phổ và trimethoprim không có cực trị rõ ràng. Các thuật toán (Vierordt cải tiến hoặc bình phương tối thiểu truyền thống - CLS) được áp dụng để xác định nồng độ của các kháng sinh này từ dữ liệu phổ tử ngoại của hỗn hợp mẫu chuẩn của chúng. Kết quả nghiên cứu: Hai bước sóng, 245,0 và 265,5 nm, được lựa chọn để lập hệ hai phương trình. Dữ liệu phổ tử ngoại ghi trong khoảng 245 ÷ 305 nm (Δλ = 1 nm) được sử dụng để xây dựng một mô hình hiệu chuẩn dạng CLS. Định lượng bằng quang phổ tử ngoại kết hợp thuật toán Vierordt không đạt yêu cầu về độ đúng cho trimethoprim (ở mức 90 và 110% nồng độ làm việc, 8 mg/L, % hàm lượng tìm lại ≥ 115%), đặc biệt khi phép đo độ hấp thụ được điều chỉnh sai lệch 1% ở mỗi bước sóng làm việc. Ngược lại, quang phổ tử ngoại kết hợp CLS có độ đúng tốt cho cả hai chất (tìm lại trong khoảng 98 ÷ 102%) và ít bị ảnh hưởng hơn rất nhiều (sai số định lượng ≤ 1%) với sai số phép đo phổ khi so sánh với phương pháp Vierordt. Phương pháp này cũng có độ đúng tương đương với phương pháp HPLC (được qui định trong phiên bản hiện nay của Dược điển Việt Nam) khi định lượng đồng thời sulfamethoxazol và trimethoprim trong một số chế phẩm lưu hành trên thị trường (p >
0,05). Kết luận: Áp dụng các thuật toán đa biến như CLS có thể hữu ích cho định lượng dược chất trong hỗn hợp hai thành phần bằng quang phổ tử ngoại
trong khi phải thận trọng khi áp dụng phương pháp đo quang kết hợp với thuật toán Vierordt.