Khảo sát một số yếu tố liên quan bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người ≥ 40 tuổi tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đối tượng, phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 1600 người dân từ 40 tuổi trở lên, chọn ngẫu nhiên trong quần thể đưa vào nghiên cứu khi người dân đồng ý tham gia. Chọn mẫu phân tầng không theo tỷ lệ, đại diện theo các vùng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Các đối tượng tham gia nghiên cứu được phỏng vấn theo bộ câu hỏi, khám lâm sàng và đo chức năng thông khí để phát hiện các đối tượng mắc BPTNMT và tìm hiểu các thông tin cá nhân liên quan đến bệnh. Xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 20.0. Kết quả: Tỷ lệ BPTNMT ở dân tộc Kinh nói chung là 5,2% thấp hơn ở dân tộc thiểu số là 10,5% có ý nghĩa thống kê (p <
0,001). Tỷ lệ BPTNMT ở nhóm mù chữ là 10,3%, biết đọc, biết viết là 10,0%, tiểu học là 5,8%, THCS là 6,1, THPT là 2,8% và trung cấp trở lên là 1,4%. Tỷ lệ BPTNMT ở nhóm nông dân là 6,2%, công nhân là 4,2%, buôn bán là 0%, CBCNV là 11,1%, nội trợ là 4,2%, hưu trí/già là 9,4%, lao động tự do là 5,5% và ngư dân là 8,3%. Tỷ lệ BPTNMT ở nhóm đang hút thuốc là 11,2%, đã bỏ thuốc lá là 11,5%, hút thuốc lá thụ động là 1,9%, không hút thuốc là 1,6%. Tỷ lệ BPTNMT ở nhóm có tiền sử hen là 25,5%, cao hơn nhóm không có tiền sử hen là 5,6% có ý nghĩa thống kê (p <
0,001), nhóm có tiền sử viêm phế quản là 37,0%, cao hơn nhóm không có tiền sử viêm phế quản là 5,8% có ý nghĩa thống kê (p <
0,001). Tỷ lệ BPTNMT ở nhóm sử dụng bếp rơm, than củi là 9,4%, cao hơn nhóm không sử dụng là 4,3%% có ý nghĩa thống kê (p <
0,001), nhóm sử dụng bếp ga là 5,0%, thấp hơn nhóm không sử dụng bếp ga là 11,6% có ý nghĩa thống kê (p <
0,001). Học vấn mù chữ hoặc chỉ biết đọc biết viết, mắc hen và viêm phế quản mạn tính, dùng bếp rơm, củi hoặc than, hút thuốc lá hoặc đã bỏ thuốc lá là các yếu tố liên quan độc lập với BPTNMT.