Nghiên cứu thời điểm phẫu thuật thám sát mạch máu hợp lí đối với các trường hợp bàn tay hồng mất mạch trong GTLCXCT trẻ em. Phương pháp: Chúng tôi hồi cứu hồ sơ bệnh án các trường hợp trẻ dưới 16 tuổi tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình có chẩn đoán GTLCXCT kèm mất mạch quay từ 01/01/2016 đến 30/06/2021. Những trường hợp này được ghi nhận thông tin về đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng hình ảnh, quá trình điều trị và kết quả tái khám. Phân tích giá trị của các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng trong gợi ý một tổn thương động mạch thật sự cần sửa chữa mạch máu, thời điểm nên phẫu thuật thám sát dựa vào kết quả điều trị và tái khám. Kết quả: Có 88 trường hợp GTLCXCT có mất mạch quay trong nghiên cứu này, 85 trường hợp tay còn tưới máu tốt (bàn tay hồng mất mạch) và 3 trường hợp tay tưới máu kém (bàn tay trắng, lạnh, mất mạch). Độ tuổi trung bình là 6,1± 2,6 tuổi, trẻ nam chiếm ưu thế (khoảng 57,95%), tay trái thường gặp hơn tay phải (56,8% so với 43,2%) và nguyên nhân chủ yếu là do té chống tay trong tư thế quá duỗi của khuỷu. Hầu hết tình trạng mất mạch quay xảy ra ở những trường hợp GTLCXCT di lệch nhiều, kiểu sau ngoài (độ IIIB) chiếm đa số với 86,4%. Các triệu chứng như gãy hở, bầm máu trước khuỷu, dấu nhíu da, bập bềnh khớp khuỷu hay tổn thương thần kinh kèm theo dù số liệu cho thấy không có sự liên quan với khả năng có tổn thương động mạch cánh tay (ĐMCT) thật sự nhưng cũng phần nào gợi ý cho một cơ chế chấn thương nặng và cần đánh giá kỹ lưỡng. Có khoảng 65,8% trường hợp đạt kết quả tốt sau kết hợp xương (KHX) đơn thuần không thám sát mạch máu. Tỉ lệ có tổn thương ĐMCT thật sự là 83,3% trong nhóm những bệnh nhân vẫn không có lại mạch quay sau 72 giờ hậu phẫu KHX và 100% trong nhóm những bệnh nhân mất mạch lại lần 2 sau phẫu thuật.