Nghiên cứu mối quan hệ giữa định hướng tôn giáo và buông xả có thể lý giải được cách thức mà Phật giáo ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của con người. Nghiên cứu này được thiết kế chủ yếu dựa vào lý thuyết định hướng tôn giáo của Allport (1950). Mẫu nghiên cứu là 472 tín đồ Phật giáo đang tu tập trong bốn đạo tràng ở miền Bắc. Hai thang đo được sử dụng là: Thang Định hướng tôn giáo sửa đổi (Intrinsic/Extrinsic-Revised Scale) của Gorsuch và MacPherson (1989) và Thang Buông xả (Nonattachment Scale) của Sahdra, Shaver và Brown (2010). Ngoài ra, nghiên cứu cũng sử dụng một bảng hỏi để tìm hiểu các biến nhân khẩu và biến tôn giáo của khách thể nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, định hướng tôn giáo bên trong tín đồ Phật giáo cao hơn định hướng tôn giáo bên ngoài. Trong các biến số nhân khẩu chỉ có giới tính và đạo tràng ảnh hưởng đến định hướng tôn giáo
trong các biến số tôn giáo như tu sĩ, đã quy y, nơi thực hành thường xuyên, nhóm thực hành, tần suất thực hành và niềm tin vào Phật pháp có ảnh hưởng đến định hướng tôn giáo của tín đồ Phật giáo. Định hướng tôn giáo bên trong có mối tương quan khá mạnh với buông xả, trong khi đó, định hướng bên ngoài tương quan yếu hơn. Cả hai kiểu định hướng tôn giáo có thể dự báo được sự biến thiên của buông xả, trong đó, định hướng tôn giáo bên trong có khả năng dự báo cao hơn. Ý nghĩa của kết quả nghiên cứu này đối với những nghiên cứu trong tương lai đã được bàn luận trong bài.