Viêm ruột thừa (VRT) là một bệnh lý nguy hiểm, khó chẩn đoán sớm cũng như khó phân loại VRT có biến chứng và không biến chứng. Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu ước tính tỉ lệ VRT có biến chứng và các yếu tố liên quan tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang hồi cứu bệnh án được tiến hành trên toàn bộ bệnh nhân đã cắt VRT trong vòng 5 năm (từ 2016 đến 2020) tại khoa ngoại tiêu hóa bệnh viện Nhân dân Gia Định. VRT có biến chứng được xác định thông qua tường trình phẫu thuật. Kết quả: Trong tổng 1950 ca bệnh được thu thập, tỉ lệ viêm ruột thừa có biến chứng chiếm 24,8% tổng số ca VRT đã phẫu thuật. Mối liên quan giữa số lượng bạch cầu, CRP, tuổi, đường kính, vị trí ruột thừa, dịch ổ bụng và số lượng bạch cầu trung tính, số lượng bạch cầu lympho (NLR) với tình trạng VRT biến chứng có ý nghĩa thống kê. Kết luận: Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ VRT biến chứng khá thấp so với các nghiên cứu khác tại Việt Nam. Cần xem xét các yếu tố có liên quan phát hiện được để từ đó biết được trường hợp nào có nguy cơ cao hoặc không có nguy cơ có VRT có biến chứng để từ đó có hướng xử lý phù hợp.