Trên thực tế, phần lớn các trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan (UTBMTBG) sẽ tiến triển hoặc không dung nạp với điều trị toàn thân bước một. Ngoài ra, điều trị tiêu chuẩn UTBMTBG bước hai cũng như trình tự của các bước sau đó vẫn chưa được thống nhất. Đề tài xác định thời gian sống còn không bệnh tiến triển (PFS), tỉ lệ đáp ứng (ORR), thời gian sống còn toàn bộ (OS), độc tính điều trị sau thất bại bước một UTBMTBG. Đối tượng, phương pháp: Nghiên cứu mô tả hồi cứu cắt ngang trên 12 BN UTBMTBG tiến triển sau điều trị bước 1 tại Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM. Kết quả: Tỉ lệ đáp ứng điều trị bước 2 là 8.3%, tỉ lệ kiểm soát bệnh là 33.3%. Trung vị thời gian sống còn không bệnh tiến triển với điều trị bước 2 (mPFS2) là 3.0 tháng và với điều trị bước 3 (mPFS3) là 2.1 tháng. Trung vị thời gian sống còn không bệnh sau thất bại điều trị bước 1 là 7.1 tháng. Có 80% các trường hợp ghi nhận độc tính xảy ra khi tiếp tục điều trị toàn thân. T uy nhiên, các độc tính chủ yếu độ 1 - 2 và thường xảy ra ở bước điều trị sau đó. Kết luận: Lựa chọn điều trị toàn thân trên nhóm bệnh nhân UTBMTBG tiến triển sau điều trị bước một cần được đánh giá đầy đủ về điều trị bước một trước đó, đặc điểm lâm sàng bệnh nhân cũng như dự đoán khả năng độc tính có thể xảy ra để có thể đưa ra quyết định điều trị nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh.