Sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. fuscidicus) là loài cây thuốc quý hiếm với thành phần saponin phong phú và có giá trị kinh tế cao của Việt Nam. Việc nghiên cứu để tìm ra được các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc có ý nghĩa thực tiễn trong bảo tồn và phát triển loài sâm quý hiếm này. Thí nghiệm bố trí theo kiểu khối ngẫu nhiên đầy đủ (RCB), 3 lần nhắc lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi trồng vào thời vụ tháng 9, 10, cây giống có khả năng sinh trưởng khỏe và cho năng suất lý thuyết năm thứ 6 khá (24,98-25,31 tạ/ha). Độ cao 2.000 m tạo điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng, tạo sinh khối và chất lượng dược liệu hơn hẳn so với độ cao 1.500 m và 1.000 m. Đường kính củ trung bình của các công thức bố trí trên độ cao 2.000 m đạt 2,36 mm, năng suất lý thuyết đạt 29,40 tạ/ha. Cây sâm Lai Châu khi được che sáng với độ che sáng cao (90%) cho thấy sức sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao, đạt 2,73 cm về đường kính củ, năng suất lý thuyết đạt 28,02 tạ/ha. Khoảng cách trồng 30×30 cm hoặc 35×30 cm cho hiệu quả kinh tế tốt nhất vì tiết kiệm quỹ đất và tạo năng suất khá.