Hội chứng Ohtahara là một trong những dạng sớm nhất và nặng nhất của bệnh não phát triển và động kinh. Trong thập kỷ qua, những tiến bộ nhanh chóng trong kỹ thuật phân tử, đặc biệt là trong giải trình tự thông lượng cao (High Throughput Sequencing - HTS) đã tiết lộ rằng phần lớn bệnh nhân Ohtahara có căn nguyên di truyền. Cho đến nay, khoảng 20 gen đã được tìm thấy có liên quan đến hội chứng này và kỹ thuật Giải trình tự thế hệ mới (Next Generation Sequencing - NGS) hiện đang là một xét nghiệm di truyền quan trọng đối với hội chứng này. Nghiên cứu này được thực hiện trên 4 bệnh nhân mắc hội chứng Ohtahara được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Giải trình tự toàn bộ vùng mã hóa (Whole Exome Sequencing - WES) và phân tích trên 283 gen liên quan đến bệnh não động kinh được thực hiện để xác định các biến thể gây bệnh của bệnh nhân. Sau các bước phân tích tin-sinh học, biến thể tiềm năng được xác định lại trên bệnh nhân và bố mẹ bệnh nhân bằng kỹ thuật giải trình tự Sanger, phân loại biến thể theo bộ tiêu thuẩn ACMG (The American College of Medical Genetics and Genomics - 2015), chúng tôi đã xác định được 2 đột biến gây bệnh ở 2 bệnh nhân: OH3 (KCNQ2, c.868G>
A, p.G290S) và OH4 (SCN2A, c.788C>
T, p.A263V). Kết quả nghiên cứu góp phần kiểm chứng vai trò của yếu tố di truyền trong hội chứng Ohtahara ở bệnh nhân Việt Nam. Nghiên cứu này cũng khẳng định rằng NGS nói chung và WES nói riêng là đáng tin cậy và hữu ích trong việc phát hiện các nguyên nhân di truyền của hội chứng Ohtahara, từ đó hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hội chứng này.