Mặc dù đã có rất nhiều hỗ trợ từ nhà nước và chính quyền địa phương để giảm bớt mức độ phụ thuộc vào tài nguyên rừng. Nhưng thực trạng về săn bắt động vật hoang dã làm thức ăn và bán lấy tiền để tăng thu nhập vẫn khá phổ biến ở các cộng đồng ở vùng sâu vùn g xa của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiện trạng và biến động trong săn bắt động vật hoang dã tại Khu Bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế. Nghiên cứu sử dụng kết hợp hoạt động phỏng vấn hộ gia đình, thảo luận nhóm, phỏng vấn chuyên gia, kế thừa kết quả điều tra giám sát đa dạng sinh học, dữ liệu từ hệ thống bẫy ảnh... để đánh giá đánh giá mức độ phụ thuộc vào tài nguyên rừng, sự thay đổi trong hoạt động săn bắt động vật hoang dã, mối tương quan giữa các khu vực giàu tài nguyên động vật hoang dã và hệ thống bẫy bắt động vật hoang dã của người dân địa phương các xã vùng đệm của Khu Bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế, ở 2 huyện Nam Đông và A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghiên cứu chỉ ra mức độ phụ thuộc giảm dần đối với tài nguyên rừng của người dân địa phương, các khu vực họ thường đặt bẫy để săn bắt động vật hoang dã và sự thay đổi theo thời gian của tiến trình này. Nghiên cứu cũng chỉ ra được các khu vực cần ưu tiên trong hoạt động bảo vệ, quản lý tài nguyên động vật hoang dã, các vấn đề cần lưu tâm trong việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng cũng như sự cần thiết phải có các mô hình phát triển sinh kế cho người dân địa phương nhằm giảm mức độ phụ thuộc vào tài nguyên rừng và khai thác động vật hoang dã.