Đặc điểm sinh trưởng, phát triển, năng suất của một số giống sắn và ảnh hưởng của lượng bón đạm, kali đến giống sắn KM419 tại Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước được tiến hành bởi 2 thí nghiệm. Thí nghiệm 1 gồm 5 giống sắn: KM419, KM98-5, KM60, SM937-26 & KM94 đối chứng được bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ, 3 lần nhắc lại. Thí nghiệm 2 gồm 9 công thức được bố trí theo kiểu ô lớn - ô nhỏ, 3 lần nhắc lại. Lượng bón đạm: 80, 100 & 120 kg N/ha (yếu tố ô lớn). Lượng bón kali: 80, 100 & 120 kg K2O/ha (yếu tố ô nhỏ). Kết quả thu được cho thấy: (1) Các giống sắn thí nghiệm có đặc trưng hình thái thân lá, đặc điểm hình thái củ khác nhau, sinh trưởng chiều cao cây khác nhau ở các kỳ điều tra, cho năng suất củ tươi đạt 31,68 - 43,50 tấn/ha, năng suất tinh bột từ 8,99 - 12,83 tấn/ha. Trong đó, hai giống sắn KM419 và SM937-26 là giống sắn triển vọng. Giống sắn KM419 cao 280,70 cm, cây thẳng, không phân cành
dạng củ thẳng dài, màu vỏ ngoài, vỏ trong, thịt củ màu trắng
Năng suất củ tươi đạt 43,50 tấn/ha cao hơn giống đối chứng 25,80%, năng suất tinh bột 12,83 tấn/ha, hàm lượng tinh bột đạt 29,50%. Giống sắn SM937-26 cao 275,40 cm, cây thẳng, không phân cành
dạng củ thẳng đồng đều, màu vỏ ngoài củ nâu, màu vỏ trong và thịt củ màu trắng
Năng suất củ tươi đạt 42,62 tấn/ha cao hơn giống đối chứng 23,25%, năng suất tinh bột 11,51 tấn/ha, hàm lượng tinh bột đạt 27,00%. (2) Lượng bón đạm và kali tạo ra sự khác biệt về số củ/cây, chiều dài củ, đường kính củ, khối lượng trung bình củ, khối lượng củ/cây, năng suất củ thực thu đạt cao nhất 50,69 tấn/ha ở công thức N3K3 (lượng bón 120 kg N + 120 kg K2O/ha) cho lãi thuần đạt cao nhất 96,26 triệu đồng/ha/ năm, lãi thuần cao hơn đối chứng 29,66%.