Các Hiệp định thương mại tự do ra đời dựa trên việc các quốc gia dành cho nhau nhiều ưu đãi hơn so với mức ưu đãi chung của WTO. Một trong những thoả thuận quan trọng này chính là việc cắt giảm hàng rào thuế quan trong thương mại hàng hoá giữa các quốc gia. Sự cắt giảm này khiến cho các hành vi cạnh tranh không công bằng diễn ra hoặc một sản xuất của quốc gia trở nên yếu kém trước tác động của hàng hoá nhập khẩu. Các quốc gia vì thế thi hành các biện pháp phòng vệ thương mại để ngăn chặn những tác động này. Chúng được hiểu như một loại nghĩa vụ với hình thức thuế nhập khẩu bổ sung áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu vào quốc gia nhập khẩu. Các doanh nghiệp lúc này có xu hướng lẩn tránh phải thi hành các biện pháp này. Hành vi này của cộng đồng doanh nghiệp khiến cho các biện pháp phòng vệ thương mại không còn công bằng, minh bạch và hiệu quả. Ngay chính hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng cần thiết phải được luật hoá để có thể điều chỉnh đồng bộ, thống nhất và có tính liên kết giữa các quốc gia trong bối cảnh Việt Nam gia nhập vào chuỗi sản xuất hàng hoá với nhiều quốc gia tham gia vào nhiều công đoạn sản xuất liên tiếp. Bài viết này trình bày tổng quan về các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, dựa vào đó, đánh giá thực trạng của các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành và kiến nghị giải pháp hoàn thiện.