Nghiên cứu này nhằm khảo sát các khó khăn mà sinh viên K50 trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên thường gặp trong khi thực hành kỹ năng Nghe hiểu sử dụng các hoạt động nghe và ngữ liệu từ các bài tập nghe của giáo trình English Unlimited, pre-intermediate, ở các khía cạnh như chất lượng âm thanh, tốc độ của người nói, từ vựng, ngữ âm, cách diễn đạt, và thiết kế bài tập cho kỹ năng nghe hiểu. Từ đó, một số giải pháp được đề xuất nhằm hỗ trợ cải thiện chất lượng kỹ năng nghe. Nghiên cứu sử dụng hai phương pháp gồm nghiên cứu định tính và định lượng kết hợp với sự vận dụng lý thuyết được đưa ra bởi Giáo sư, nhà ngôn ngữ học Jack C. Richards về những yêu cầu của việc thiết kế các hoạt động cho kỹ năng nghe hiểu, cũng như những nghiên cứu trước đây về tính hiệu quả của các hoạt động nghe hiểu trong các giáo trình khác nhau. Dữ liệu thu thập được từ 343 sinh viên K50 cho thấy những khó khăn khi thực hành kỹ năng nghe hiểu sử dụng Giáo trình English Unlimited, pre-intermediate, phần lớn là do tốc độ của người nói, sự khác biệt trong phát âm của những người nói tiếng Anh đến từ các khu vực khác nhau trên thế giới, và sự hạn chế trong thiết kế của các hoạt động bổ trợ kỹ năng Nghe hiểu trong giáo trình.