Lý thuyết ủy nhiệm là lý thuyết cốt lõi của những vấn đề phát sinh liên quan đến báo cáo tài chính (BCTC) và được xem là lý thuyết nền tảng trong nhiều nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán. Lý thuyết này đề cập đến mối quan hệ giữa bên ủy nhiệm (principal) và bên được ủy nhiệm (agent) thông qua hợp đồng và luôn tồn tại những xung đột lợi ích trong các mối quan hệ ủy nhiệm (giữa bên ủy nhiệm và bên được ủy nhiệm). Cả hai bên đều mong muốn tối đa hóa lợi ích của mình. Mặc dù, trách nhiệm của bên được ủy nhiệm là phải hành xử theo hướng tối đa hóa lợi ích của bên ủy nhiệm. Những mong đợi của bên ủy nhiệm có thể làm cho bên được ủy nhiệm có những hành vi làm sai lệch BCTC. Do vậy, với các vấn đề nghiên cứu liên quan đến BCTC như: chất lượng BCTC, thông tin tài chính, lựa chọn chính sách kế toán, nghiên cứu hành vi nhà quản lý hay nghiên cứu về các khía cạnh kiểm toán,... thì lý thuyết ủy nhiệm luôn được nhắc đến và trở thành một trong những lý thuyết nền tảng trong nghiên cứu lĩnh vực kế toán - kiểm toán.