Hà thủ ô đỏ là một dược liệu quý, được sử dụng khá phổ biến ở nhiều nước. Các tác dụng dược lý của hà thủ ô đỏ có được chủ yếu là nhờ vào hoạt tính chống oxy hóa của các polyphenol. Nghiên cứu đã đánh giá được ảnh hưởng của quá trình chế biến theo y học cổ truyền đến hàm lượng phenol toàn phần và hoạt tính chống oxy hóa in vitro của hà thủ ô đỏ. Kết quả thực nghiệm cho thấy hàm lượng phenol toàn phần tính theo acid gallic (GAE) của hà thủ ô đỏ tăng lên trong quá trình chế biến. Dược liệu sau khi chế biến có hàm lượng phenol toàn phần là 22,73 ± 0,21 mg GAE/g, cao hơn khoảng 3% so với mẫu thô (22,03 ± 0,40 mg GAE/g). Quá trình chế biến cũng làm gia tăng đáng kể hoạt tính chống oxy hóa của hà thủ ô đỏ. Nồng độ dịch chiết trung hòa được 50% gốc tự do sinh ra từ 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl của dược liệu sau khi chế biến là 53,71 ± 0,44 μg/ml, thấp hơn khoảng 2,3 lần so với dược liệu thô (124,38 ± 0,56 μg/ml).