Nghiên cứu về các loài rết - lớp chân môi (Chilopoda) bộ Scolopendromorpha và Scutigeromorpha ở Vườn quốc gia Hoàng Liên được tiến hành trong tháng 5 và tháng 11 năm 2018. Mẫu vật được thu tại 4 sinh cảnh của khu vực nghiên cứu bao gồm: rừng cây gỗ, rừng hỗn giao (gỗ và tre nứa), rừng tre nứa, khu dân cư + đất nông nghiệp. Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận được 13 loài và phân loài thuộc 2 bộ Scolopendromorpha và Scutigeromorpha. Bộ Scolopendromorpha gặp 12 loài và phân loài thuộc 6 giống, 3 họ (Cryptopidae, Scolopendridae, Scolopocryptopidae). Bộ Scutigeromorpha gặp 1 loài thuộc 1 giống, 1 họ (Scutigeridae). Bổ sung cho danh sách loài rết khu vực Tây Bắc, Việt Nam 1 loài (Cryptops spinipes). Rừng cây gỗ và rừng hỗn giao có sự tương đồng về thành phần loài cao nhất (64,45%), thấp nhất là ở sinh cảnh khu dân cư + đất nông nghiệp và rừng hỗn giao có độ tương đồng (35,65%). Chỉ số đa dạng sinh học (H') cho thấy ở khu vực nghiên cứu đa dạng rết thuộc bộ Scolopendromorpha và Scutigeromorpha ở mức trung bình
Chỉ số đa dạng sinh học (H') cao nhất là ở sinh cảnh rừng hỗn giao (1,81), giảm dần ở rừng cây gỗ (1,64), khu dân cư + đất nông nghiệp (1,47) và thấp nhất là rừng tre nứa (1,41). Chỉ số đồng đều J' cao nhất là ở sinh cảnh khu dân cư + đất nông nghiệp (0,91), tiếp đến là sinh cảnh rừng tre nứa (0,88), hai sinh cảnh rừng hỗn giao và rừng cây gỗ có chỉ số đồng đều như nhau (0,79). Mùa mưa số lượng loài ghi nhận được nhiều hơn mùa khô.