Keo lai và Keo tai tượng là loài cây trồng chủ lực sản xuất gỗ trong nước, nhưng chủ yếu được trồng với chu kỳ ngắn để sản xuất dăm gỗ. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu và chủ trương, chính sách thúc đẩy chuyển hóa rừng keo sản suất gỗ nhỏ sang gỗ lớn, trong thực tiễn những lo ngại về ảnh hưởng của gió bão tới rừng trồng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật gì để đảm bảo hiệu quả của chuyển hóa rừng vẫn làm cho chủ rừng lo ngại. Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của gió bão tới rừng trồng keo và thí nghiệm ảnh hưởng của các biện pháp kỹ thuật tỉa thưa và bón phân sau tỉa thưa làm cơ sở đề xuất các biện pháp kỹ thuật chuyển hóa rừng thích hợp. Kết quả cho thấy, rừng trồng keo lai và Keo tai tượng có khả năng chống chịu gió bão kém, và bị đổ gãy ở quy mô lớn dưới tác động của các cơn bão cấp 10 trở lên. Trong khi đó, các loài cây này chủ yếu được trồng ở những vùng có chu kỳ xuất hiện các cơn bão từ cấp 10 trở lên từ 1,6 - 6,4 năm/cơn, giảm dần từ Quảng Ninh tới Ninh Thuận. Dưới tác động của các cơn bão lớn, có sự ảnh hưởng rõ rệt giữa hướng phơi và địa hình tới tỷ lệ số cây bị thiệt hại trong lâm phần
các yếu tố khác như giống, mật độ hiện tại và tuổi rừng không có sự khác biệt. Tỉa thưa có ảnh hưởng rõ rệt tới sinh trưởng đường kính và tỷ lệ gỗ lớn của lâm phần. Độ tuổi tỉa thưa thích hợp từ 3 - 5 tuổi tùy theo mật độ hiện tại của rừng. Tỷ lệ cây bị khuyết tật và chết hàng năm do gió bão và sâu bệnh cao, nên lâm phần đưa vào chuyển hóa cần có số lượng cây mục đích đủ lớn, tối thiểu 1.200 cây/ha. Mật độ để lại ở lần tỉa thưa đầu tiên cần đảm bảo trong khoảng 800 - 1.000 cây/ha đối với keo lai và 750 - 950 cây/ha đối với Keo tai tượng, tùy theo mật độ hiện tại và tuổi rừng. Chưa thấy có sự ảnh hưởng rõ rệt của bón phân sau tỉa thưa tới sinh trưởng và năng suất rừng keo lai và Keo tai tượng.