Mục tiêu của bài viết là ước lượng ảnh hưởng của hạn chế tín dụng đến lượng tiền mua chịu vật tư nông nghiệp (tín dụng thương mại) của nông hộ trồng lúa ở Đồng bằng sông cửu Long (ĐBSCL). Dựa trên cơ sở lý thuyết, bài viết xây dựng chính giả thuyết về các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của nông hộ trồng lúa và hai giả thuyết về ảnh hưởng của hạn chế tín dụng đến lượng tín dụng thương mại (TDTM) nông hộ sử dụng. Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu này được thu thập từ 1.065 nông hộ trồng lúa và được chọn ngẫu nhiên trong số 10 tỉnh (thành phố) ở ĐBSCL. Kết quả bước 1 của phương pháp PSM với hồi quy probit cho thấy giá trị đất, thu nhập, học vấn chủ hộ và khoảng cách đến ngân hàng có ảnh hưởng đến hạn chế tín dụng đối với nông hộ trồng lúa. Bước hai của phương pháp PSM chỉ ra rằng, nông hộ không bị hạn chế tín dụng sử dụng TDTM ít hơn so với nông hộ hạn chế tín dụng. Hơn nửa, lượng TDTM nông hộ sử dụng tăng theo mức độ hạn chế tín dụng. Kết quả này hàm ý rằng, TDTM đóng vai trò thay thế cho tín dụng chính thức.