Xác định đặc điểm rối loạn nhịp thất ở bệnh nhân suy tim phân suất tống máu thất (LVEF) giảm tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Phương pháp nghiên cứu: Mô tả, cắt ngang. Kết quả: Trong thời gian nghiên cứu tháng 3-9/2020, chúng tôi ghi nhận được 40 trường hợp suy tim có phân suất tống máu thất trái giảm, điều trị tại phòng khám khoa nội Tim mạch-Lão học - bệnh viện Lê Văn Thịnh. Tuổi trung bình trong dân số là 66,70. Tỉ số nam/nữ là 1,22/1. Tỉ lệ rối loạn nhịp thất ở bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu thất trái giảm được đo bằng holter điện tâm đồ 24 giờ là 82,50% bao gồm các dạng ngoại tâm thu thất đơn dạng, ngoại tâm thu thất đa dạng, ngoại tâm thu thất đa ổ và cơn nhanh thất ngắn. Tỉ lệ rối loạn nhịp thất nặng (phân độ ngoại tâm thu Lown III-V) là 40%, trong đó cơn nhanh thất ngắn chiếm tỉ lệ 15%. Trong dân số có rối loạn nhịp thất, bệnh nhân suy tim NYHA III chiếm tỉ lệ 72,50%. Trong dân số rối loạn nhịp thất nguy hiểm, bệnh nhân suy tim NYHA II chiếm tỉ lệ 75%. LVEF nhóm bệnh nhân có rối loạn nhịp thất là 28,15±7,89% thấp hơn LVEF nhóm bệnh nhân không có rối loạn nhịp thất là 34,57±4,24% với p = 0,04. LVEF nhóm bệnh nhân có rối loạn nhịp thất nguy hiểm là 27,34±6% thấp hơn nhóm bệnh nhân không có rối loạn nhịp thất nguy hiểm là 29,57±9% với p = 0,01. Kết luận: Tỉ lệ rối loạn nhịp thất ở bệnh nhân suy tim LVEF giảm trong nghiên cứu chúng tôi là 82,5%. Tỉ lệ rối loạn nhịp thất nguy hiểm chiếm 40%, trong đó cơn nhanh thất ngắn chiếm 15%. Rối loạn nhịp thất và giảm phân suất tống máu thất trái có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Giảm phân suất tống máu thất trái đi kèm tỉ lệ rối loạn nhịp thất cao.