Từ tiếp cận sinh thái nhân văn, bài viết luận giải về hiện trạng hệ thống nông nghiệp trên cơ sở phân tích dịch vụ sinh thái ở xã Bờ Y (Kon Tum) và xã Sơn Kim 1 (Hà Tĩnh) thuộc biên giới Việt Nam- Lào
trong đó xem xét mối tương quan giữa hệ thống nông nghiệp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và cơ chế chính sách trong quản lý tài nguyên thiên nhiên. Bài viết sử dụng dữ liệu định lượng từ 200 hộ gia đình và các cuộc phỏng vấn sâu, cũng như áp dụng phân tích hình ảnh không gian nhằm đánh giá độ che phủ đất như là sự phản ứng của dịch vụ sinh thái. Kết quả cho thấy Bờ Y có hệ thống nông nghiệp đồng nhất, thâm canh cây công nghiệp nhưng là nơi có dịch vụ sinh thái nghèo nàn và thiếu tính ổn định
trong khi đó Sơn Kim 1 lại có sự đa dạng hơn về hệ thống nông nghiệp nhưng chịu sự kiểm soát chặt chẽ bởi chính sách bảo vệ và tái tạo rừng, đã góp phần làm cho dịch vụ sinh thái ở đây ổn định và đảm bảo tính đa dạng sinh học. Từ khóa: dịch vụ sinh thái, hệ thống nông nghiệp, phát triển bền vững, quản lý tài nguyên, biên giới Việt Nam-Lào