Nghiên cứu đặc điểm sinh học và sức ăn nhện gié hại lúa của nhện bắt mồi Lasioseius sp. là cơ sở quan trọng để đánh giá khả năng sử dụng loài thiên địch này trong quản lý nhện gié hại lúa. Nghiên cứu này được thực hiện trên 2 đối tượng là nhện gié hại lúa (Steneotarsonemus spinki Smiley) và nhện bắt mồi (Lasioseius sp.). Thí nghiệm về đặc điểm sinh học của nhện bắt mồi được tiến hành ở 2 nhiệt độ 30ºC và 32,5ºC và sức ăn nhện gié ở nhiệt độ 30ºC trong hai điều kiện có sự lựa chọn thức ăn và không có sự lựa chọn thức ăn. 2 thí nghiệm đều đặt trong tủ sinh thái ở chế độ ẩm độ 80 - 85%
thời gian chiếu sáng 12 giờ sáng: 12 giờ tối. Kết quả cho thấy: ở nhiệt độ 30oC, nhện bắt mồi Lasioseius sp. có thời gian phát dục ngắn hơn (6,2 ngày) và khả năng đẻ trứng cao hơn (25,33 trứng/trưởng thành cái) so với nhiệt độ 32,5oC. Trong điều kiện không có sự lựa chọn thức ăn, nhện bắt mồi non có sức ăn trứng nhện gié cao nhất (11,67 trứng/ngày) trong khi nhện bắt mồi trưởng thành lại có sức ăn đối với pha nhện gié trưởng thành cao nhất (32,00 con/ngày). Khi có sự lựa chọn thức ăn thì trứng là thức ăn ưa thích nhất của nhện bắt mồi non với tỷ lệ chọn 38,51% và nhện gié trưởng thành là thức ăn ưa thích nhất của nhện bắt mồi trưởng thành với tỷ lệ 63,61%. Từ kết quả thí nghiệm cho thấy nhện bắt mồi Lasioseius sp. là loài thiên địch có tiềm năng phòng trừ nhện gié hại lúa.