Hồ Trị An có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp nước cho các tỉnh Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh. Hồ góp phần làm gia tăng đáng kể trữ lượng nước dưới đất khu vực lân cận, đặc biệt vào mùa khô. Tuy nhiên, gần đây sự gia tăng của các hợp chất dinh dưỡng trong hồ đã góp phần gây ra hiện tượng phú dưỡng làm cho chất lượng môi trường bị suy giảm nghiêm trọng, tạo điều kiện cho các loài vi tảo phát triển mạnh. Do đó, nghiên cứu này nhằm đánh giá trạng thái dinh dưỡng của nền trầm tích hồ Trị An trên cơ sở sử dụng quần xã khuê tảo bám như một công cụ chỉ thị. Mẫu trầm tích và khuê tảo được thu thập từ 8 vị trí khảo sát ở khu vực Hồ Trị An từ tháng 3/2019-8/2019. Kết quả phân tích cho thấy sự ưu thế của một số loài khuê tảo thuộc các chi ưa sống trong môi trường giàu dinh dưỡng như Navicula, Nitzschia và chỉ số dinh dưỡng TDI đã chỉ ra môi trường trầm tích có hàm lượng dinh dưỡng cao dẫn đến tình trạng phú dưỡng (thậm chí siêu phú dưỡng), đặc biệt là khu vực trong hồ. Trong khi đó, các điểm thượng nguồn và dưới đập Trị An có mức độ dinh dưỡng thấp hơn, chủ yếu là giàu phốt pho nhưng vẫn thuộc mức phú dưỡng. Ngoài ra, kết quả phân tích bước đầu còn cho thấy các hợp chất như NH4 +, TN, PO4 3− đóng vai trò chính chi phối sự phát triển của khu hệ khuê tảo bám.