Đánh giá và so sánh ưu nhược điểm của hai phương pháp ThinPas và Pap smear thông thường. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung - âm đạo (CTC-ÂĐ) bằng 2 phương pháp ThinPas và Pap smear thông thường từ tháng 07/2020 đến hết tháng 06/2021 tại Bệnh viện TWQĐ 108. Kết quả: Độ tuổi làm xét nghiệm tử 17 đến 80 tuổi, nhóm tuổi hay gặp nhất 30-39. Trong 9250 xét nghiệm tế bào CTC, có 6923 xét nghiệm Pap smear thông thường và 2597 xét nghiệm ThinPas được thực hiện. Trong xét nghiệm Pap smear thông thường đến 88% tế bào bị bỏ sót, với xét nghiệm ThinPas 94% tế bào được chuyển lên lam kính để đánh giá. Các chất nhầy và tế bào viêm được giữ lại gần như toàn bộ trong xét nghiệm Pap smear thông thường, còn với ThinPas gần như được loại bỏ hoàn toàn. Với xét nghiệm Pap smear thông thường các tế bào sắp xếp chồng chất, không cùng một mặt phẳng, các tế bào có xu hướng bị thoái hoá với nhân và bào tương không rõ nét
xét nghiệm ThinPas các tế bào sắp xếp trên một mặt phẳng, bào tương và nhân tế bào rõ, sáng. Kết luận: Xét nghiệm ThinPas cho chất lượng tiêu bản tốt hơn phương pháp Pap smear thông thường, giúp cho việc phát hiện các tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung một cách rõ ràng hơn.