Việc điều trị bệnh nhân COVID-19 đặc biệt là những bệnh nhân nặng và nguy kịch vẫn là thách thức đối với nền y tế còn hạn chế trong bối cảnh hiện nay của nước ta. Vì vậy, việc dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và các xét nghiệm sẵn có để đánh giá mức độ nặng và khả năng tiến triển nặng của bệnh là rất cần thiết để có hướng tiếp cận kịp thời. Trong đó ferritin và d-dimer được cho là các chỉ dấu sinh học có liên quan đến mức độ nặng của bệnh COVID 19. Nghiên cứu này nhằm: (1) Đánh giá tình trạng tăng nồng độ ferritin và nồng độ d-dimer huyết tương ở bệnh nhân COVID-19. (2) Xác định giá trị điểm cắt nồng độ d-dimer huyết tương nhằm tiên đoán mức độ nặng của bệnh nhân COVID-19. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 209 bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc bệnh viện trung ương Huế tại thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 08/2021 đến tháng 11/2019. Tất cả bệnh nhân được đánh giá mức độ nặng của bệnh COVID-19 dựa vào triệu chứng lâm sàng và độ bão hòa oxy máu, được tiến hành định lượng nồng độ ferritin và d-dimer. Tăng nồng độ ferritin được định nghĩa: ở nam là từ 400ng/ml trở lên và ở nữ là từ 150ng/ml trở lên, tăng nồng độ d-dimer là từ 500 ng/ml trở lên. Xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 16.0. Kết quả: Tỉ lệ tăng ferritin ở nhóm bệnh nhân nặng là 89,77%. Nồng độ d-dimer ở nhóm bệnh nhân nặng trung bình là 4732,43ng/ml. Khi nồng độ d-dimer >
1537ng/ml thì sẽ có nguy cơ là bệnh COVID-19 sẽ nặng với diện tích dưới đường cong (AUC) 0,699 (khoảng tin cậy 95%: 0,627 - 0,771)
độ nhạy 57,95% và độ đặc hiệu 75,83%
p <
0,0001.